Dự thảo mới nhất Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã đề xuất thêm một phương án hai về mô hình tổ chức chính quyền đặc khu. Đó là sẽ tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đặc khu, gồm có HĐND và UBND.
Sẽ có hai, chứ không chỉ là một phương án tổ chức chính quyền ở các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) được đề xuất, khi Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được đưa ra xem xét, có ý kiến tại Kỳ họp Quốc hội thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, dự kiến khai mạc vào ngày 23/10 tới.
Thông tin được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cho biết.
Theo đó, với phương án 1, chính quyền địa phương đặc khu được xây dựng thành thiết chế Trưởng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính.
Theo lý giải của Ban soạn thảo, để bảo đảm tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các quy định về thể chế, chính sách kinh tế – xã hội có tính chất đặc biệt, vượt trội, cạnh tranh quốc tế, Chính phủ đề nghị xác định chính quyền địa phương tại các các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc không phải là cấp chính quyền địa phương.
Và vì thế, không tổ chức HĐND và UBND tại ba đặc khu. Chính quyền địa phương tại ba đơn vị này là thiết chế Trưởng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Trưởng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có bộ máy giúp việc, các cơ quan chuyên môn và Trưởng Khu hành chính.
Một điều đáng chú ý, đó là sẽ phân cấp, phân quyền mạnh có liên quan tới 4 cấp cho Trưởng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, bao gồm cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Nhưng do Trưởng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được giao một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh nên Dự thảo Luật đã quy định rõ ràng cơ chế giám sát, kiểm tra của cơ quan dân cử và cơ quan hành chính nhà nước đối với Trưởng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và mối quan hệ của Trưởng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan nhà nước cấp trên và cùng cấp.
Tổ chức mô hình chính quyền đặc khu theo phương án này, theo Ban soạn thảo, đã thể hiện được sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; làm rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; bảo đảm sự giám sát của các chủ thể có liên quan; phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế – xã hội của các đặc khu.
“Thiết chế Trưởng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là sự thử nghiệm đổi mới bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 11-NQ/TW. Mô hình này cũng được tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế (như Khu hợp tác Tiền Hải thuộc Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Trung Quốc, thành phố quốc tế tự do Jeju của Hàn quốc, thành phố Dubai của UAE)”, Ban soạn thảo khẳng định.
Tuy nhiên, hạn chế đối với mô hình này, đó là việc chính quyền địa phương là Trưởng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cùng với các cơ quan chuyên môn giúp việc nhưng không phải là một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND nên có thể dẫn đến lạm quyền nếu không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ.
Trong khi đó, phương án 2, đó là vẫn tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đặc khu, gồm có HĐND và UBND. Việc Ban soạn thảo đưa ra đề xuất mới là dựa trên các ý kiến đóng góp trong quá trình đưa Dự thảo Luật ra lấy ý kiến công luận.
Với phương án này, các đặc khu được chia thành các khu hành chính trực thuộc, không phân định thành các đơn vị hành chính cấp dưới. Tại khu hành chính không tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND cấp xã, mà chỉ tổ chức Văn phòng khu hành chính với tính chất là cơ quan đại diện hành chính của UBND đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trên địa bàn khu hành chính.
Việc phân cấp, phân quyền có liên quan tới 4 cấp cho chính quyền địa phương đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cũng sẽ được thực hiện, gồm cấp trung ương; cấp tỉnh; cấp huyện và cấp xã.
Phương án này, theo Ban soạn thảo, là không gây xáo trộn nhiều so với tập quán tổ chức chính quyền địa phương hiện nay của Việt Nam, đồng thời cũng đã đổi mới một bước cách thức tổ chức cấp chính quyền địa phương ở xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, lại có một hạn chế lớn là chưa tạo được bước đột phá và đặc biệt về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; tổ chức bộ máy và nhân sự của chính quyền địa phương ở đặc khu chưa tinh gọn (gồm cả HĐND và UBND); vẫn chủ yếu làm việc theo chế độ tập thể (nhiều vấn đề do HĐND và UBND quyết định, vai trò của Chủ tịch UBND vẫn bị hạn chế); thủ tục còn phức tạp, chậm trễ; chưa tương thích với tính chất đặc biệt của chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; chưa tiệm cận với các kinh nghiệm tốt trên thế giới.
Thông tin cho biết, tuy sẽ báo cáo Quốc hội hai phương án tổ chức chính quyền đặc khu, song Chính phủ vẫn đang ưu tiên lựa chọn tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đặc khu theo phương án 1.