Tình trạng ô nhiễm ở dòng sông Dương Đông, trên đảo Phú Quốc, Kiên Giang không phải là mới. Cái mới và đáng báo động là dòng sông ngày càng ô nhiễm mà dường như chính quyền chưa thể xử lý triệt để tình trạng này.
Rác thải sinh hoạt bên bờ sông Dương Đông. Ảnh: Vi Sa
Ô nhiễm trầm trọng
Tại báo cáo Chương trình quản lý tổng hợp lưu vực sông Dương Đông 2017, Tổng Cục Môi trường đánh giá, khả năng tiếp nhận chất ô nhiễm phục vụ cấp nước sinh hoạt từ thượng nguồn sông Dương Đông là không còn. Đặc biệt, đoạn từ cầu Hùng Vương ra cửa biển, các thông số tính toán cho thấy dòng sông hầu như không còn khả năng tiếp nhận chất ô nhiễm, kể cả khả năng phục vụ tưới tiêu. Thực tế khảo sát tại đoạn sông này những ngày đầu tháng 10 cho thấy, đây chính là đoạn sông chịu áp lực ô nhiễm nặng nhất, từ dân cư, cơ sở dịch vụ, nhà hàng, chợ, cho đến cơ sở sản xuất.
Bắt đầu hành trình từ cửa sông tại Dinh Cậu, ngược lên thượng nguồn, ngay gần cửa sông, phía bên bờ trái là chợ Dương Đông. Đây là nơi tập trung buôn bán của bà con không chỉ trong thị trấn Dương Đông mà còn của cả đảo Phú Quốc. Với hai nguồn xả thải chính, là chất thải rắn và nước thải, thì chất thải rắn hiện đã được thu gom, xử lý tương đối tốt, nhưng toàn bộ nước thải không được xử lý mà đều xả thẳng ra sông.
Anh Nguyễn Văn Bỉ, một người lao động đã gắn bó với khu chợ Dương Đông 12 năm cho biết: Chợ mới đã tốt hơn rất nhiều so với chợ cũ. Tuy nhiên, nước thải vẫn được đổ thẳng ra rạch, đưa ra ngoài biển.
Đi tiếp lên phía thượng nguồn, trên hai bên bờ là nơi sinh sống của dân cư thị trấn Dương Đông, dưới nước là hàng sa số tàu, thuyền đánh cá đậu san sát, mặt nước ngàu đục với vô số rác thải, từ thùng xốp, vỏ chai nhựa, vỏ trái dừa… váng dầu từ tàu cá. Xen giữa các khu dân cư dọc hai bên bờ là các nhà hàng, quán ăn, các nhà thùng nước mắm, cơ sở đóng, sửa tàu, cơ sở buôn bán vật liệu xây dựng.
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, qua khảo sát thực địa các năm 2015, 2016, nước thải của các cơ sở sản xuất và nước thải sinh hoạt trên lưu vực sông Dương Đông có đặc trưng hàm lượng chất hữu cơ cao, một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép và xả trực tiếp ra sông nhiều năm nay là nguyên nhân làm chất lượng môi trường nước sông bị suy giảm, ảnh hưởng sức khỏe của người dân, tác động xấu đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội của Phú Quốc.
Có vẻ tiếc nuối, anh Trần Văn Rớt hành nghề lái ghe câu mực trên đảo Phú Quốc chia sẻ: Giờ nước sông dơ lắm, hồi xưa nước trong lắm, cá mực, cá đuối còn vô tới sông, giờ hết rồi.
Huyện chờ tỉnh
Về việc kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm ô nhiễm môi trường trên sông Dương Đông, ông Trương Thành Tấn, Phó Phòng Tài nguyên Môi trường Phú Quốc cho biết, hàng năm, Phòng đều lập kế hoạch, tổ chức đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường trên địa bàn, trong đó có khu vực sông Dương Đông.
Phòng đã tham mưu cho huyện tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân để không xả rác xuống sông, nhất là đối với dân sống hai bên bờ, cũng như thủy thủ, công nhân trên các ghe thuyền đánh cá. Đồng thời, tổ chức thu gom rác thải hàng ngày trên sông.
Trao đổi với Báo Thanh tra, ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, sông Dương Đông ô nhiễm bắt đầu từ khu vực cầu Hùng Vương, nhưng nặng nhất là từ cầu Nguyễn Trung Trực, khu vực chợ Dương Đông ra tới cửa biển. Đây là việc huyện rất quan tâm, đích thân đồng chí Bí thư huyện ủy cũng đã trực tiếp đi khảo sát. Bởi lẽ, huyện xác định, một trong các yếu tố để Phú Quốc phát triển bền vững, là phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Huyện nhận định việc xử lý ô nhiễm sông Dương Đông là rất cấp thiết, vì nếu để sông ô nhiễm, sẽ ảnh hưởng khủng khiếp, không chỉ tới con sông, mà còn có thể ô nhiễm cát ở bờ biển, lúc đó là không thể xử lý được.
Về giải pháp xử lý triệt để ô nhiễm sông Dương Đông, ông Phạm Văn Nghiệp chia sẻ: Hiện hàng ngày huyện đã có các ghe, các xe nhỏ đi thu gom rác, nhưng không xuể. Giải pháp căn cơ là phải giải tỏa bờ sông Dương Đông và hai rạch Sô Ma Cô và rạch Ông Trì, làm kè hai bờ sông. Nguồn lực để triển khai giải pháp này (chưa kể tái định cư) cũng lên tới vài ngàn tỷ đồng. Huyện mới làm được một đoạn kè sông phía chợ đêm, chưa có đủ tiền để làm toàn tuyến. Vừa rồi, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có đoàn ra khảo sát để có cách thức cải tạo con sông. Cách duy nhất là cải tạo, chứ tuyên truyền thôi không đạt kết quả. Riêng đối với nhà thùng nước mắm, huyện đã có hướng di dời về khu tập trung.
Tuy nhiên, việc giải tỏa, kè hai bờ sông mới chỉ ngăn chặn được nguồn chất thải sinh hoạt xả xuống bờ sông, tạo cảnh quan cho dòng sông. Còn câu chuyện đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Vi Sa
Theo Báo Mới